Đưa ảnh giấy khen, bảng điểm của trẻ lên mạng là... bệnh thành tích của bố mẹ

by 20:17 0 nhận xét

Khi trẻ không đạt được kết quả như bố mẹ mong muốn để "khoe", bố mẹ cảm thấy thất vọng và trút giận dữ vào đầu đứa trẻ. Từ đó, các con sẽ cảm thấy học hành là nghĩa vụ khủng khiếp, mất niềm vui và giảm sút hiệu quả học tập.

Gián tiếp tiếp tay cho tội phạm
Trung tá Đào Trung Hiếu – Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an. Ảnh tư liệu.
Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Đào Trung Hiếu – Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an nhấn mạnh: “Việc bố mẹ đưa hình ảnh, thông tin cá nhân của con mình lên mạng xã hội là một hành động tưởng chừng như vô hại nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn”.
Ông Hiếu phân tích, nếu đưa các thông tin cá nhân về tên tuổi, địa chỉ trường học… của trẻ lên các trang mạng xã hội, kẻ xấu rất có thể lợi dụng việc đó để thực hiện hành vi phạm tội của mình như bắt cóc tống tiền, hoặc xâm hại trẻ em.
“Luật Trẻ em đã có hiệu lực, các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý vấn đề này. Chúng ta có quyền được tự hào về thành tích học tập, rèn luyện của con mình sau một năm nỗ lực phấn đấu. Nhưng, người lớn cần tuyệt đối chú ý phòng tránh việc quá dễ dãi trong việc công khai thông tin cá nhân, hình ảnh của con lên mạng xã hội. Chúng ta phải hết sức cân nhắc trước khi quyết định đưa hình ảnh trẻ lên mạng, thậm chí cả nơi các cháu học tập được ghi trong giấy khen, bảng điểm để phòng tránh nguy cơ mất an toàn cho trẻ”, Trung tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.
Tiến sĩ (TS) Vũ Thu Hương – Giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội nêu quan điểm, quy định cấm đưa bảng điểm lên mạng khi chưa được sự đồng ý từ trẻ là biện pháp tốt giúp chấm dứt bệnh thành tích của phụ huynh. Vị giảng viên cho rằng, việc bố mẹ khoe con có nhiều hệ lụy.
Đơn cử như với những phụ huynh chuyên “khoe con” thì bản thân họ cũng có áp lực. Khoe được một lần muốn khoe lần thứ hai và nhiều lần sau nữa, muốn con lúc nào phải phải tuyệt vời nhất nên áp lực cho trẻ là điều đương nhiên.
Khi trẻ không đạt được kết quả như bố mẹ mong muốn để "khoe", bố mẹ cảm thấy thất vọng và trút giận dữ vào đầu đứa trẻ. Từ đó, các con sẽ cảm thấy học hành là nghĩa vụ khủng khiếp, mất niềm vui và giảm sút hiệu quả học tập.
Ngoài ra, TS Thu Hương cũng cho biết thêm, thực trạng “phân cấp” mối quan hệ bạn bè trong lớp học dựa theo thành tích cũng đang là một thực tế cần nhìn nhận. Các bạn học giỏi thì không chơi với người học kém hơn mình khiến các bạn học "chưa giỏi" rất tủi thân. Chính bệnh thành tích cũng ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ giữa các đứa trẻ.
Vô tình làm trẻ tự mãn
Luật Trẻ em đã có hiệu lực từ thời điểm 1/6/2017. Nếu trẻ từ 7 tuổi trở lên, cha mẹ cần hỏi ý kiến trẻ trước khi tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ; nếu trẻ chưa đủ 7 tuổi thì cha mẹ có quyền quyết định, nhưng phải xem xét dựa trên mục tiêu vì sự phát triển tốt nhất của trẻ.
Từ 1/6/2017, việc đưa bảng điểm của trẻ lên mạng là vi phạm luật. Ảnh: Đình Tuệ.
Tuy nhiên, việc cha mẹ cung cấp hình ảnh cụ thể về kết quả học tập của con mà không được con đồng ý là khá phổ biến, đặc biệt là thời điểm kết thúc năm học hay mỗi học kỳ ở trường của trẻ.
Chia sẻ về điều này, chị Nguyễn Thị Chung (ở Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, chị cũng đã từng “khoe” giấy khen học sinh giỏi của cậu con trai học lớp 3 của mình lên mạng.
“Lúc ấy đưa con đi tổng kết năm học về, cháu được giấy khen học sinh giỏi nên tôi rất vui và phấn chấn. Được khoe thành tích của con lên mạng để cho mọi người tán thưởng ban đầu cũng thấy hãnh diện lắm. Tuy nhiên sau đó, tôi tự cảm thấy việc này là không nên vì đã vô tình tạo ra một vỏ bọc cho trẻ vì nghĩ mình giỏi thật. Nên từ năm học này, tôi không làm như thế nữa”, chị Chung tâm sự.
Trẻ em cần được bảo vệ quyền lợi một cách tuyệt đối từ chính cha mẹ, thầy cô và cả xã hội. Ảnh: Đình Tuệ.
Cùng chung quan điểm trên, anh Lê Đình Sơn (SN 1974, trú quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thì thẳng thắn cho rằng, anh hoàn toàn không ủng hộ việc đưa ảnh chụp giấy khen hay bảng điểm của trẻ lên mạng xã hội.
“Tôi có hai cháu hiện đang học tiểu học. Ở cuối năm học đều được nhà trường tặng giấy khen và bảng điểm với học lực giỏi. Tôi không muốn đưa ảnh giấy khen đó lên mạng vì dù sao, các cháu vẫn còn nhỏ và cần phải tự lực cố gắng học hơn nữa. Tôi thấy nhiều người đưa ảnh đó lên chủ yếu là để ‘khoe con’ nên tôi không đồng ý việc này”, anh Sơn chia sẻ.
Còn theo chị Chu Thị Lan (trú quận Thanh Xuân, Hà Nội), chị cũng từng là người thích được người khác khen con mình giỏi và khen mẹ chăm con khéo, nên chị hiểu cảm giác thích con mình được khen của người khác như thế nào. Vậy nên việc phụ huynh chia sẻ bảng điểm, giấy khen của con lên mạng cũng là điều dễ hiểu.
“Thế nhưng, khi thấy bảng điểm của phụ huynh khác tôi lại cảm thấy tự ái, tủi thân cho con mình. Chưa kể tôi thấy nhiều phụ huynh dù kết quả của con bình thường và không hơn ai nhưng vẫn chia sẻ lên mạng”, chị Lan bộc bạch.
Đình Tuệ
Theo Đời sống & Pháp lý

Robin Hoàng Phúc

Developer

CẢM ƠN BẠN ĐÃ GHÉ THĂM TRANG WEB HAILUA.TK ^_^ SEE YOU AGAIN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét