Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, việc mỗi người phải biết thêm ít nhất một ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ để giao tiếp là điều quan trọng, trong đó tiếng Anh được xem như một ngôn ngữ chuẩn để giao tiếp giữa mọi quốc gia.
Tuy nhiên, việc học ngoại ngữ không hề dễ dàng với tất cả mọi người. Hẳn một số bạn đã từng xem những giờ học ngoại ngữ như cực hình và chỉ muốn có một ngôn ngữ thông dụng nào đó nhưng phải thật dễ học và dễ sử dụng.
Tin vui là tồn tại một ngôn ngữ như vậy và bạn chỉ cần tốn chưa tới 2 ngày nghiên cứu là có thể sử dụng thông thạo. Ngôn ngữ đó mang tên Toki Pana. Nhưng khả năng ứng dụng ra sao, để biết rõ hơn, hãy cùng xem qua bài viết dưới đây.
Ngôn ngữ Toki Pana – ngôn ngữ chỉ có vỏn vẹn 123 từ
Lần đầu tiên được công bố trực tuyến vào năm 2001, ngôn ngữ này được sáng tạo bởi dịch giả kiêm nhà ngôn ngữ Sonja Lang tới từ Toronto.
Đây là một ngôn ngữ tối thiểu, tập trung vào các khái niệm và yếu tố đơn giản, tương đối phổ quát giữa các nền văn hóa. Ngôn ngữ chỉ có 14 âm vị và 123 từ gốc, được chọn trong số các yếu tố cơ bản để giúp bạn có cuộc sống đơn giản, không bị tác động bởi nền văn minh hiện đại.
Cụ thể, tổng vốn từ vựng của Toki Pona chỉ gồm 123 từ tạo thành từ 14 âm gốc là: p, t, k, s, m, n, l, j, w, a, e, i, o, u. Những âm gốc này sẽ được ghép lại với nhau, tạo thành những từ có biểu tượng cơ bản nhất, gần gũi với khái niệm có liên quan.
Những cụm từ này minh chứng cho khả năng cộng dồn ý nghĩa của ngôn ngữ, thường được ta sử dụng để mô tả những gì chưa rõ. Ví dụ như ở Trung Quốc, “máy vi tính” được dịch trực tiếp là bộ não điện. Tại Iceland, “la bàn” được mô tả là một đồ chỉ hướng và “kính hiển vi” là thứ để quan sát vật nhỏ.
Theo các chuyên gia, phương pháp này gọi là phép ẩn dụ, nhờ đó mà các ngôn ngữ đa dạng trên thế giới phát triển như ngày nay.
Khi bạn phải mô tả một vật mới gặp lần đầu, bạn sẽ dựa trên những thứ đã biết để mô tả vật đó, thường câu trả lời sẽ là “Vật này có hình dạng gần giống như…”.Và phép ẩn dụ như vậy được áp dụng triệt để cho Toki Pona – ngôn ngữ nhỏ nhất thế giới hiện nay.
Dù là ngôn ngữ nhỏ nhất thế giới nhưng vô cùng lợi hại
Tuy nhiên, theo tác giả Sonja Lang và nhiều người nói Toki Pona khác nhấn mạnh, ngôn ngữ này là đủ để thể hiện gần như bất kỳ ý tưởng nào.
Sự tiết kiệm vốn từ được thực hiện bằng cách giảm ý nghĩa các biểu tượng đến mức cơ bản nhất, sát nhập các khái niệm có liên quan và các từ đơn lẻ mang nhiều nghĩa khác nhau trong lời nói.
Trái ngược với hàng trăm hoặc hàng ngàn giờ nghiên cứu cần thiết để đạt được sự lưu loát trong các ngôn ngữ khác như tiếng Anh, pháp, Trung Quốc… đa số người nói Toki Pona đồng ý rẳng, bạn chỉ mất khoảng 30 giờ để có thể làm chủ ngôn ngữ này.
Lợi thế đơn giản và dễ học khiến Toki Pona được tin có thể trở thành ngôn ngữ phụ trợ quốc tế lí tưởng, giúp thực hiện giấc mơ từ rất lâu của nhân loại rằng tất cả mọi người trên Trái đất đều có thể hiểu lẫn nhau.
Giấc mơ đó đang dần thành hiện thực khi hiện nay có hàng trăm người ở khắp các quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Bỉ, New Zealand và Argentina đã lập ra các cộng đồng trực tuyến và sử dụng Toki Pona như một ngôn ngữ giao tiếp chung.
Ngoài ưu điểm đơn giản dễ học, sự tiếp cận tối giản của Toki Pona cũng được thiết kế để thay đổi cách tư duy của người nói.
Theo tác giả Lang, số lượng ít ỏi từ ngữ kích hoạt tính sáng tạo, đòi hỏi con người phải chú ý cẩn thận đến từng chi tiết xung quanh mình, điều này có ích trong một thế giới hiện đại khi con người đang dần hờ hững với mọi thứ.
Toki Pona có một bảng màu ngũ sắc gồm: loje (đỏ), laso (xanh), jelo (vàng), pimeja (đen) và walo (trắng). Giống công việc của một họa sĩ, người nói có thể kết hợp năm từ chỉ màu sắc cơ bản để mô tả bất kỳ màu nào trên quang phổ. Ví dụ, loje walo là màu hồng, còn laso jelo là màu xanh lá cây.
Bạn có thể kết hợp các từ trong Toki Pona giống như pha trộn màu sắc.
Đối với việc diễn đạt con số ở Toki Pona cũng được tối giản hết mức. Lang ban đầu chỉ cho Toki Pona các từ wan (số một), tu (số hai) và mute (số nhiều).
Tuy nhiên, sau này người sử dụng Toki Pona đã mở rộng từ luka (tay hoặc cánh tay) để chỉ số năm và mute để chỉ số 10. Những từ ngữ chỉ con số này được lặp đi lặp lại theo lối cộng cho đến khi mô tả được số mong muốn. Ví dụ, theo cách diễn đạt của Toki Pona, luka luka luka wan có nghĩa là mười sáu.
Nếu toán học tượng trưng cho sự trừu tượng thì Toki Pona tượng trưng cho sự đơn giản.
Cách diễn đạt số như vậy khiến người dùng Toki Pona khó diễn đạt chính xác những con số quá lớn. Tuy nhiên, nếu ngôn ngữ toán học hướng đến sự chính xác và khá trừu tượng thì Toki Pona làm điều gì đó khác hơn.
Theo giải thích của Lang, ngôn ngữ do cô tạo ra hướng đến sự đơn giản như khi con người nguyên thủy mới bắt đầu biết giao tiếp.
Người dùng Toki Pona chỉ cần diễn đạt mọi thứ theo cách đơn giản nhất và phải thực sự hiểu những gì họ nói. Việc diễn đạt những thứ quá lớn hay quá trừu tượng mà ngay cả chính bản thân người nói cũng không hình dung được không phù hợp với triết lý “hiểu những gì mình nói, nói những gì mình hiểu” như mục đích ban đầu của Toki Pona.
Đối với Toki Pona, mọi định nghĩa đều mang tính tương đối. Như khi được yêu cầu định nghĩa một chiếc xe, bạn có thể nói đó là một không gian được dùng để di chuyển, tức tomo tawa.
Nhưng khi bạn bị chiếc xe đó đụng, bạn có thể nói đó là một vật cứng đã làm bạn tức giận – utala kiwen. Theo Lang, sẽ không có định nghĩa tuyệt đối trong Toki Pona, bởi mọi thứ trên thế giới này đều có nhiều bộ mặt khác nhau và con người cũng phải học cách thích ứng với chúng.
Tuy Toki Pona có thể vẫn chưa phải là một ngôn ngữ quốc tế hoàn hảo, nhưng biết đâu trong tương lai nếu ngôn ngữ nhỏ nhất thế giới này được công nhận rộng rãi.
Lúc này, tất cả rào cản ngôn ngữ sẽ bị xóa bỏ và khi đó việc không giỏi ngoại ngữ sẽ không còn khiến bạn “toát mồ hôi” khi phải trò chuyện với người nước ngoài.
Theo Trí Thức Trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét