Amazon là kẻ thắng cuộc. Và dưới đây là một trong những cuộc phỏng vấn hiếm hoi với công ty về những bước tiếp theo của họ.
Trên tay Chris Green là một chiếc phong bì. Hoặc ít nhất, nó trông giống như vậy. Thực tế, chiếc phong bì này là một tờ giấy được cắt và gấp giống một chiếc Kindle Voyage, mẫu mới nhất và cũng bán chạy nhất trong dòng e-readers của Amazon. Green, nhà thiết kế đứng đầu tại Lab126, nơi các mẫu Kindle được sinh ra, tiết lộ rằng mỗi mẫu thiết kế chứa tất cả những gì một chiếc Kindle cần: CPU (bộ phận xử lí trung tâm), một chiếc modem, và một cục pin.
Green giống như một cậu trai trẻ khi đưa tôi xem những mảnh thiết bị điện tử nhỏ lẻ với một niềm háo hức xen lẫn dè dặt, nhưng thứ quan trọng nhất trên tay cậu ấy chính là giấy. Với Amazon, giấy được xem trọng hơn cả vật liệu làm ra những vật mẫu nguyên bản đầu tiên. Giấy chính là nguồn cảm hứng cho chiếc Kindle sau này: một vật thể vô cùng nhẹ, có thể tồn tại gần như mãi mãi và có thể đọc được trong bất kì nguồn sáng nào. “Giấy chính là tiêu chuẩn vàng”, Green nói, “Chúng tôi đang cố gắng hết sức để đạt được điều đó. Và chúng tôi đang bước từng bước chắc chắn qua từng năm để tới được đích!”
Khoảng mười năm trở lại đây, Amazon khá thành công trong việc quảng bá e-books và kích thích tạo nên những thay đổi cần thiết trong thói quen đọc sách của mọi người. Vào 2007, trước khi mẫu Kindle đầu tiên ra mắt, giới xuất bản phải cạnh tranh với Facebook, game trên điện thoại cũng như hàng trăm những nhân tố khác; và để duy trì sự tồn tại của chính mình, những cuốn sách cần phải thích nghi với hoàn cảnh này. Qua nhiều năm, Amazon đã mang đến cho độc giả của mình những tính năng hỗ trợ giúp việc đọc trở nên dễ dàng hơn, ví dụ như tích hợp từ điểnvà khả năng dịch thuật; mạng xã hội, thậm chí là chức năng chuyển văn bản sang dạng âm thanh (audio book) và ngược lại một cách nhịp nhàng nhằm mang lại sự thuận tiện cho người dùng. Sách được ví như những con tàu chở đầy những ý tưởng, và ngày nay những con tàu này lại mang trong mình những ý tưởng của riêng nó: hướng dẫn chúng ta nên đọc những gì, và như thế nào.
Hàng triệu chiếc máy tính bảng và e-readers đã được bán, nhưng hiện giờ chúng ta vẫn thiên về lối suy nghĩ về sách như một tập hợp của ngôn từ in trên giấy. Vì vậy, thành công nhất định của Amazon với Kindle phần nào định hướng lại rằng sách có thể là nhiều điều hơn thế. Vậy điều gì đã mang tới thành công cho Amazon như hiện nay? Trong một buổi phỏng vấn được ghi lại vào dịp kỉ niệm 7 năm của Kindle, những người đứng đầu Amazon đã vạch ra tầm nhìn cho thói quen đọc sách trong tương lai. Đó là một tầm nhìn rộng lớn – và nó đang được hiện thực hóa nhanh hơn trước khi chúng ta kịp nhìn ra!
Bên trong phòng thí nghiệm
“Chào mừng tới bên trong thánh đường”, Gregg Zehr hóm hỉnh, “Nơi này giống như khu bí mật của bí mật vậy. Rất ít người có thể vào được đây nhé”. Đây chính là một phòng hội thảo ẩn ở tầng trên cùng của Lab126, Sunnyvale, khu văn phòng California. So với một phòng thí nghiệm bí mật, thì nó khá là… đơn điệu: một chiếc bàn hội thảo, một chiếc bảng trắng, và một khung cảnh cho phép ta phóng mắt từ tầng 10 tới Đường Cao tốc 101 – con đường đông đúc nối liền San Francisco và Thung lũng Sillicon. Một bên tường được trang trí bằng một dãy những chiếc Kindle, từ những mẫu đầu tiên được giới thiệu tới nay. Nằm dọc chiều dài của chiếc bàn chính, là hơn chục mẫu nguyên bản của chiếc Kindle Voyage ra mắt trong năm nay.
Zehr, một người có lối nói chuyện đơn giản, trước đây từng làm kĩ sư chạy phần cứng ở Palm Computing, đã quản lí Lab126 từ những ngày đầu tiên. (Nổi tiếng với sự giản dị, món quà Amazon tặng Zehr nhân dịp kỉ niệm 10 năm làm việc của anh ấy là một chiếc huy hiệu nhân viên mới, với một đường sọc đỏ viền quanh ảnh của anh.) Sau nhiều năm chế tạo tại Palm, Zehr cảm thấy làm việc tại Amazon sẽ đem lại cho anh cơ hội được tạo ra những thứ độc đáo hơn. “Những gì chúng tôi phải làm trên chiếc máy đọc sách đầu tiên”, anh nói, “bởi từ trước đến nay chưa có ai dám thực hiện, nên nó càng sáng tạo càng tốt.”
“Những gì chúng tôi phải làm trên chiếc máy đọc sách đầu tiên.. là trở nên càng sáng tạo càng tốt”
Đã một thập kỷ trôi qua kể từ khi “Fiona” được nghĩ ra, đó chính là codename mà Amazon đặt cho mẫu thử đầu tiên của Kindle. Được nhắc tới trong “The Everything Store”, những mẩu chuyện vặt năm 2013 về lịch sử của Amazon kể lại bởi Brad Stone: vào năm 2004, Jeff Bezos đã ra lệnh cho những người dưới quyền chế tạo ra chiếc máy đọc sách điện tử tốt nhất để Apple hay Google không thể đánh bại họ. Với Steve Kessel, người được giao trọng trách điều hành mảng kinh doanh kỹ thuật số của công ty, Bezos nói rằng: “Tôi muốn cậu thực hiện nó như thể mục tiêu của cậu là khiến cho tất cả những người bán sách giấy phải bỏ việc.”
Kindle phải mất tới ba năm để xuất hiện trên thị trường. Sản phẩm đầu tiên không quá đẹp mắt: $400 cho một khối vật liệu bằng nhựa màu trắng ngà với bàn phím QWERTY. Nhưng trước khi thế giới từng biết đến sự tồn tại của các “cửa hàng ứng dụng” (App store), Amazon đã tích hợp trực tiếp list sách vào thiết bị. Đây chính là lần đầu tiên người dùng có thể đọc bất kì cuốn sách nào họ muốn chỉ trong tíc tắc, ở bất kì địa điểm nào.
Bán hết trong vòng 5 tiếng và 30 phút đồng hồ, Kindle giờ đây gắn liền với cụm từ đọc sách điện tử. Dù Amazon chưa bao giờ công bố doanh thu của Kindle, nhưng các nhà phân tích tin rằng hơn 80 triệu máy đã được bán ra, Morgan Stanley cũng ước tính Kindle có thể mang lại doanh thu lên tới 5 tỷ USD trong năm nay. (Amazon từ chối bình luận về doanh thu bán hàng)
Hơn nữa, Kindle đã góp phần đưa e-books thành một thể loại chính thống. Khoảng 28% dân số Mỹ đọc e-book vào năm ngoái, tăng 17% so với 2011. Và đồng nghĩa với việc càng ngày được ưa chuộng, Kindle càng được Amazon đầu tư nhiều hơn trong việc nâng cấp.
Phá vỡ ranh giới của sách
“Một khi bắt đầu đọc sách, bạn sẽ có cảm giác như rơi vào một thế giới khác, như cái hố thỏ trong Alice and Wonderland vậy”, Green – một người Bắc Anh chính gốc, đang làm việc tại Amazon sau 8 năm ở vị trí tư vấn viên sáng tạo cho Bay Area, chia sẻ. Amazon thật sự đã tạo ra một cái hố thỏ, hoặc giả như, một phòng đọc đâu đó trong Lab126 này, một nơi chất đầy những chiếc ghế vô cùng thoải mái, và có những chiếc camera nhỏ xíu theo dõi hành vi đọc sách của con người. (tôi không được phép vào bên trong vì các thiết bị mà đối tượng thử nghiệm sử dụng đều là những mẫu nguyên bản cần được giữ bí mật nghiêm ngặt.)
Căn phòng đó chính là nơi Amazon phát hiện ra rằng đa phần chúng ta, cứ ít nhất 2 phút lại đổi tay khi lật sách, kể cả khi các survey đi ngược lại với điều này. (Đây chính là lí do vì sao tính năng chuyển trang sách xuất hiện ở cả hai bên trái phải.) Nút sang trang kế của the Voyage to hơn nút lật về trang trước, vì các số liệu của Amazon cho thấy đến 80% các trang sách được lật chuyển tiếp về phía trước. Khi Green giải thích về những nghiên cứu tương tự, có vẻ như Amazon đã dành khá nhiều thời gian tìm hiểu về các hành động vật lí người đọc tạo ra kĩ càng hơn bất kì công ty nào.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ tạo ra những thứ xa xỉ”
Ngay từ khi bắt đầu, Amazon đã định nghĩa về nhiệm vụ của phần cứng một cách khá ‘gọn nhẹ’: một thiết bị tưởng như có thể biến mất trong lòng bàn tay, sở hữu những tính năng hữu ích nhưng nổi trội, với giá thành thấp. “Chúng tôi sẽ không làm ra những thứ quá đắt đỏ, vì những thứ đó dễ gây xao lãng,” Green nói. “Có rất nhiều công ty đang thiết kế những món đồ trang sức thì đúng hơn. Chúng tôi thì không, bởi những phần thêm vào đó sẽ vô tình lấy đi những gì thuộc về bản chất thực sự của sản phẩm.”
Thay vào đó, Amazon muốn nâng cao chất lượng của những gì được hiển thị trên màn hình thông qua phần mềm. Nếu có một ý tưởng hợp lí cho Kindle dưới vai trò như một ứng dụng, thì đó chính là khắc phục những điều nhỏ nhặt một thời từng làm bạn đặt sách xuống vì mỏi mệt. Được mang tên X-Ray, có chức năng như lưu trữ các nhân vật phổ biến trong một cuốn sách, cũng như các vị trí và ý tưởng. Chỉ cần chạm vào tên nhân vật, một tiểu sử thu nhỏ lập tức hiện lên; với các cuốn sách dày như Trò Chơi Vương Quyền (Games of Thrones), nó được ví như của trời cho. Amazon nhận ra rằng từ điển tích hợp của Kindle sẽ giúp chúng ta biết được nghĩa của những từ thỉnh thoảng sẽ xuất hiện trong sách để làm khó người đọc, cụ thể hơn, định nghĩa của những từ này sẽ hiện ngay phía trên của văn bản. Thay vì tìm kiếm trên Google một đoạn văn ngắn bằng tiếng nước ngoài, Kindle sẽ tự động dịch chúng! Thêm nữa, Kindle cũng hiển thị thông tin về thời gian mà bạn cần để đọc xong một chương hay toàn bộ cuốn sách, dựa vào tốc độ đọc của chính người dùng.
Nhưng tính năng như vậy được đưa ra trong những buổi họp đột xuất của Amazon, thường được bắt đầu bằng việc cho nhân viên đọc những bản thảo 6 trang liệt kê những nhu cầu cần được thực hiện, viết bởi đồng nghiệp của họ. Những buổi họp thường khá im lặng – cho đến khi mọi chuyện bắt đầu. “Nó không chỉ là những tiếng gọi kiểu như hãy lại đây – mà là chúng tôi thật sự hét lên với nhau,” Green thêm vào, với một nụ cười toe toét, “Những giấy tờ này như hỗ trợ cho sự tranh luận đó.”
Kết quả là chúng ta có một cuốn sách có thể tự động dịch chính nó; giải thích chính nó – là những nhân vật, bối cảnh và cả những ý tưởng quan trọng. Năm ngoái, Amazon đã mua lại Goodreads, forum cho phép bạn kết nối với bạn bè và những độc giả yêu sách, cùng bàn luận về những gì chúng ta đã và đang đọc. Vậy là một khi bạn đọc xong một cuốn sách, Kindle sẽ hỏi ý kiến và đánh giá của bạn về cuốn sách, điều này sẽ có ích cho những ai chưa đọc cuốn sách đó – và Kindle sẽ gợi ý những cuốn sách tiếp theo mà bạn nên mua hoặc nên đọc.
Câu chuyện ở Seattle
Có một khía cạnh khác cho tương lai của việc đọc sách, hơn cả việc chúng ta đọc như thế nào. Đó là chúng ta đọc cái gì: tác giả, nhà xuất bản, cách chúng được phân phối. Không có gì quan trọng hơn việc đưa ra những quyết định liên quan đến những vấn đề trên tại cơ quan đầu não của Amazon tại Seattle. Trong khi số lượng những hiệu sách giấy đang có xu hướng giảm dần, Amazon đã đạt được vị trí độc tôn: sở hữu 40% số sách mới được bán ra trên toàn nước Mỹ, và hai phần ba trong số đó là e-books.
Mặt khác, con số này chỉ chiếm 10% tổng doanh thu của Amazon. Kể cả khi mục tiêu công ty luôn theo đuổi là trở thành nơi khách hàng có thể mua bất kì thứ gì, sách chỉ là một phần khiêm tốn trong trí tưởng tượng của cả một bộ máy. “Sách là nhà của mỗi chúng ta”, Russ Grandinetti, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách nội dung của Kindle chia sẻ. “Đó là nơi chúng tôi bắt đầu. Đó không chỉ là công việc kinh doanh ưa thích và thu hút sự chú ý của khách hàng, mà nó còn thuộc về đam mê. Rất nhiều người trong nhóm có sự đam mê sâu sắc với sách. Những cuốn sách đã giúp thay đổi cuộc sống của chúng tôi.”
Phát ngôn này có nhiều hơn một cách hiểu. Bởi vì sách dễ dàng vận chuyển và khó bị hỏng, và bởi Amazon.com luôn có nhiều thứ để cung cấp hơn một hiệu sách thông thường, sách chính là bệ phóng lý tưởng cho tầm nhìn về một hệ thống bán lẻ toàn cầu của Jeff Bezos. Hai thập kí sau khi công ty được thành lập, sách vẫn giữ vai trò chủ chốt trong mảng kinh doanh mà Amazon vẫn luôn chiếm ưu thế - và là một đối thủ thật sự đáng gờm.
“SÁCH LÀ NHÀ CỦA MỖI CHÚNG TA”
Ban đầu, các nhà xuất bản nhận thấy Amazon là đối tác phù hợp trong việc bán sách, một phần vì lượng sách trả lại khá ít so với các chuỗi cửa hàng từng một thời làm mưa làm gió. Nhưng cùng với sự phát triển chóng mặt, Amazon tiến hành tính phần trăm phí ngày một cao hơn cho mỗi cuốn sách được bán, chưa kể khoản phí mà bất kì nhà xuất bản nào cũng phải trả nếu muốn sách của mình xuất hiện trên trang chủ cũng như trang kết quả tìm kiếm. Điều này đã chứng tỏ bất kì cuốn sách nào cũng có thể biến mất nếu như nhà xuất bản đó không đồng ý với luật chơi này, cũng như mở ra một thế giới nơi mà những cuốn sách có giá trị không tồn tại chỉ vì sự tranh chấp giữa các bên kinh doanh.
Cuộc chiến này đã được ghi lại một cách rất “tinh tế” bởi the New Yorker, Vanity Fair và the New York Times. Các bên đều cố gắng để giành lấy quyền điều khiển vấn đề then chốt nhất, đó là quyền định giá các e-books. Cho đến nay, mọi thứ đang diễn ra theo chiều hướng hoà hảo: Cuộc chiến bấy lâu giữa Amazon với Hachette đã kết thúc vào tháng trước với một thoả thuận cho phép nhà xuất bản tiếp tục được đề ra giá e-books trong nhiều năm, với nhiều ưu đãi từ Amazon nhằm hỗ trợ Hachette đưa ra mức giá phù hợp. Một thoả thuận tương tự cũng đã được kí kết với Simon &Schuster vào khoảng đầu năm.
Nếu bạn đơn thuần chỉ là một người mua sách thông thường, thì lý do bạn nên quan tâm tới những phi vụ đàm phán không phải lúc nào cũng cần thiết, khi mà các quản lí lúc nào cũng xích mích với nhà cung cấp của họ. (Các nhà xuất bản lớn đã từ chối trả lời phỏng vấn về vấn đề này.) Nhưng có những vấn đề thật sự cần quan tâm như giả dụ thế giới sẽ ra sao nếu sự thống trị của Amazon tiếp diễn, và áp lực của việc giảm giá sách sẽ ảnh hưởng đến các tác giả cũng là điều dễ hiểu. “Trong kinh doanh sách, khi một chủ sở hữu đơn lẻ lại có triển vọng ở cả mảng sản xuất lẫn phân phối là một điều đặt biệt lo ngại,” George Parker viết trong the New Yorker. “Điều này mang lại cho Amazon nhiều quyền kiểm soát trong việc trao đổi ý tưởng hơn bất kì công ty nào trong lịch sử Mỹ.” Nếu Amazon lấn át các nhà xuất bản tới mức phải biến mất – hoặc đơn giản là đẩy họ tới bước đường cùng – thì chúng ta sẽ đọc gì?
Tôi đặt câu hỏi này cho Grandinetti, người dẫn đầu các cuộc đàm phán của Amazon với các nhà xuất bản. Để bắt đầu, anh nói, chúng ta không nên cho rằng những sự không may này xảy đến với các nhà xuất bản có nghĩa những nhà văn lớn sẽ không thể có thu nhập từ bản thảo của họ. Việc sáng tác chưa bao giờ được coi là một nghiệp sinh lời; các tác giả lâu nay vẫn dựa vào các trường đại học, các tổ chức và quỹ phi lợi nhuận để mang về thu nhập. Các nhà xuất bản chỉ dựa vào khả năng tìm kiếm của họ và quảng bá cho các tác phẩm, Grandinetti nói, “Việc sáng tác thuận lợi như nó đã từng là điều hoàn toàn khả thi, và tôi hoàn toàn có lí do để tự tin dựa vào những gì đang phát triển, và điều này thật sự rất có tiềm năng.”
Trong khi đó, các hình thức khác của viết lách ngày càng phát triển. Sự mọc lên của hình thức tự xuất bản (self-publishing), vốn đang được Amazon đầu tư quảng bá, đã dẫn đến sự bùng nổ của thể loại tiểu thuyết viễn tưởng. Kindle Singles, một sản phẩm cho phép tác giả bán tác phẩm có độ dài trung bình của mình, đã trở thành ngôi nhà cho những tác phẩm không được đón nhận bởi các nhà xuất bản truyền thống. Truyền hình cáp, YouTube, Netflix đã mở đường cho thể loại mới là kể chuyện trực quan (visual storytelling), và cách thức mới đem lại lợi nhuận; việc làm loại bỏ những “người gác cổng” này cũng được thực hiện tương tự với con chữ.
“Khi công nghệ thay đổi thì những gì con người làm với nó cũng thay đổi,” Grandinetti nói và lấy ví dụ cách truyền hình cáp chiếu Breaking Bad - một câu chuyện duy nhất được kể trong suốt 62 tập, và True Detective - một series phim dài tập mỗi năm kể một câu chuyện hoàn chỉnh. “10 năm trước sẽ không ai trao cơ hội cho những show truyền hình như thế, bởi vì loại mô hình đó không tồn tại. Dù cho những mô hình kiểu đó của media được phát triển ở điểm này, chúng vẫn phải nhượng bộ ở một số điểm khác. Và tôi nghĩ rằng điều này cũng đúng với sách.”
“Dù cho những mô hình kiểu đó của media được phát triển ở điểm này, chúng vẫn phải nhượng bộ ở một số điểm khác”
Khi đó, Amazon đã dẫn đầu trong nỗ lực để dịch nhiều hơn những đầu sách tiếng nước ngoài ra tiếng Anh, khơi gợi tiềm năng về một nguồn sách văn học chất lượng cao và phong phú chưa được phát hiện. Sách giờ đây đã và đang được số hoá, và chúng sẽ thay đổi theo chiều hướng khó đoán trước. Doanh thu mảng hướng dẫn du lịch đang giảm dần trong khi lượng thông tin về chúng trở nên miễn phí và đầy rẫy trên mạng; Grandinetti tin rằng điều này sẽ sớm thay đổi và những hướng dẫn sẽ trở nên hữu ích.
Chúng sẽ phải phát triển. Tất cả những thứ đang cạnh tranh để có được thời gian rảnh của chúng ta – mạng xã hội, games, TV – đều sẽ phát triển nhanh chóng. “Công việc của chúng tôi là phát minh ra mọi thứ có thể để mọi trải nghiệm đều trở nên thú vị như thể được trao thưởng,” Grandinetti hào hứng. “Và tôi không nghĩ rằng đây là vẫn đề của riêng ai, nếu bạn muốn nói trong điều kiện được-mất của mọi người là như nhau, về việc sách sẽ làm tốt hơn hay tệ đi trong tương lai… Khi nào việc đọc được xác định, được bắt đầu, nâng cao, thậm chí hạn chế, đều tuỳ thuộc sự sáng tạo của chúng ta đến đâu, và ủng hộ việc này như thế nào.”
Cuốn sách mà chúng ta không phải đọc
Một vài năm sau khi Amazon được thành lập, và một vài năm trước khi Apple giới thiệu “the iPod”, một công ty tên Audible đã giới thiệu thiết bị digital audio (âm thanh kĩ thuật số) của họ. Thiết bị mang tên Audible Player trị giá $200, được bán trên trang Audible.com có 4MB bộ nhớ, đủ chứa dung lượng âm thanh để nghe trong 2 giờ. Don Katz, đồng sáng lập công ty, là một doanh nhân trong mảng công nghệ có tiểu sử khá “lạ”: đã từng làm phóng viên cho tạp chí và viết sách, những loại công việc mà gần đây khá bấp bênh bởi những thay đổi trong ngành xuất bản. Audible ra mắt công chúng vào năm 1999, là thời điểm cao trào của hiện tượng ‘bong bóng dot-com’(1), nhưng đã sống sót bằng cách đưa catalog sản phẩm công ty lên cửa hàng iTunes của Apple. Amazon đã mua lại công ty này với giá 300 triệu USD vào năm 2008.
Trụ sở chính của công ty nằm ở tầng giữa của một toà nhà văn phòng tại Newark, New Jersey, cách nơi đón tàu đi New York một vài dãy nhà. Từ văn phòng của mình trên tầng 16, nơi có thể nhìn trọn Manhattan, Katz kể về những lợi thế lớn từ những bản báo cáo chuyên sâu về Mỹ thời kì sau chiến tranh và những công ty như Sears và Nike.
Vào đầu những năm 90, Katz đã nhận thấy sự chuyển dịch tại nơi tạo nên tên tuổi của chính mình. Tạp chí Katz từng làm việc bắt đầu giảm năng suất cũng như tham vọng. “Tôi quyết định tự cứu lấy sự nghiệp của mình khi thấy bảng thông báo viết tay về những bài viết của mình giảm từ 10,000 từ xuống còn 7,500 từ, rồi 5,000, và 3,000 từ,” anh nói. “Thật không thể ngờ nó có thể giảm xuống vỏn vẹn 140 kí tự!” Trước khi có MP3, Katz thành lập Audible với hi vọng một ngày nào đó mọi người sẽ đi dạo với những chiếc máy như thế này, như anh miêu tả, một thiết bị chắc chắn chứa đầy tinh hoa và văn hoá của thời đại.”
Trước đó, Audible vấp phải những nghi ngại liệu nghe có nên được coi trọng như một thói quen giết thời gian hợp lí giống đọc sách, hay “nghe” một cuốn sách có được tính như “đọc” hay không. Katz bắt tay vào việc thuật lại lịch sử của văn chương – tất nhiên, không phải từ văn học viết, mà là từ lối truyền khẩu. “Đọc không khác gì hành động ghi nhớ những gì đã được truyền lại qua hàng ngàn năm bằng sự giàu bản sắc của lối truyền khẩu.” Katz gợi nhớ chúng ta rằng người Hy Lạp đã từng rất khắt khe với chữ viết, vì họ lo ngại rằng nó sẽ làm khả năng ghi nhớ của chúng ta biến mất. Và anh có lưu ý thêm rằng Văn học Mỹ được sinh ra từ những âm điệu độc đáo, được ghi lại lần đầu tiên bởi những tác gia như Mark Twain hay Stephen Crane. “Những áng văn bất hủ thường lưu lại trong tâm trí mọi người,” Katz nói. “Và làm thế nào mà nó ở đó thì lại không nên liên quan đến tín ngưỡng.”
Dưới sự lãnh đạo của Katz, catalog của Audible đã phát triển lên tới 180,000 bản audiobooks. Trong trụ sở của công ty có tới 6 studio, nơi các nhà sản xuất và diễn viên lồng tiếng tạo ra audiobooks 16 giờ mỗi ngày, 7 ngày một tuần. Vào năm 2012, Amazon giới thiệu tính năng mới cho phép người dùng thay đổi từ dạng chữ sang âm thanh trong một cuốn sách một cách dễ dàng; giờ đây chúng ta thay vì tạm ngừng việc đọc sách thì có thể nghe chúng qua Kindle trên đường đi làm. Hiện tại có hơn 55,000 quyển sách bạn có thể “đọc” theo cách này, thực tế này thậm chí đã thách thức quan niệm của chúng ta về bản chất thật sự của việc đọc. Như vậy, thế hệ tương lai có thể nghe Western canon(2)trên điện thoại, và chắc chắn khả năng của chúng ta trong việc phổ cập giáo dục sẽ trở nên khác biệt hơn hiện tại rất nhiều.
Ngay trước khi tôi gặp Katz, Amazon đã cho ra mắt Echo, một chiếc loa có khả năng chơi nhạc, dự báo thời tiết, hỗ trợ chúng ta mua sắm online, và rất nhiều tính năng khác. Tôi hỏi Dave Limp, Phó Giám đốc cấp cao mảng phần cứng của Amazon, liệu thậm chí có khả năng Echo sẽ đọc sách cho chúng ta không. David từ chối đưa ra bất kì suy đoán nào, nhưng có vẻ như đây là điều không thể tránh khỏi khi Echo cuối cùng cũng sẽ trở thành một phần trong hệ thống hỗ trợ việc nghe – đọc của Amazon.
“Thực tế cho thấy sẽ có một lượng thời gian lớn trong ngày mà chúng ta không thể đọc sách hoặc nhìn vào màn hình,” Katz nói. “Những gì chúng tôi làm được chính là mang những chất liệu quý giá, giàu giá trị về mặt kiến thức này, đem khúc xạ chúng qua một lăng kính thậm chí còn tinh vi hơn. Hãy sắp xếp lại vị trí những thứ này để chúng trở thành thành quả giữa những bản phác thảo tuyệt vời nhất mọi thời đại – những cuốn sách!”
Lời kết
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi chuyển tới một thị trấn nhỏ ở Indiana để làm việc cho một tờ báo. Đời sống văn hoá ở đây khá nghèo nàn, nhưng ở trung tâm mua sắm nơi tôi hay lui tới mua nhu yếu phẩm có một cửa hàng tên là Borders. Gần như cuối tuần nào cũng vậy, trên đường đi mua đồ, tôi sẽ ghé qua Borders và dành khoảng một giờ đồng hồ đi một lượt qua các giá sách. Tại một thời điểm nhất định khi đời sống tinh thần của tôi trở nên rời rạc, thì hiệu sách, sẽ nối lại sự đứt quãng đó, giống như một sợi dây cương chắc chắn vậy. Những quyển sách tôi đã mua, đã đọc lướt qua, chúng chứa đầy những cảm xúc và tâm tư của tôi qua những lần ghé hiệu sách.
Hiện tại, Borders đã đóng cửa, địa điểm tôi thưỡng xuyên lui tới đã được thay thế bằng một cửa hàng điện máy. Giữa các trang web và mạng xã hội, tôi đọc nhiều hơn bao giờ hết – thế nhưng lượng sách tôi đọc thì ngày càng ít đi. Đọc qua một lượt những ghi chép của mình về tương lai của việc đọc, tôi hi vọng những gì mình viết ra ở đây sẽ phần nào đưa ra những thay đổi nhằm sửa chữa những giá trị mà công nghệ đang bắt đầu phá vỡ: khả năng tập trung vào hàng trăm trang sách của tôi trước đây. Như một câu thoại trongThe Tender Bar của J.R. Moehringer: “’Mỗi cuốn sách là một phép màu,’ Bill nói. ‘Mỗi cuốn sách tượng trưng cho một khoảnh khắc khi ai đó tĩnh lặng ngồi cạnh ta, cố gắng kể cho chúng ta phần còn lại của một câu chuyện – và phần tĩnh lặng chính là một phép màu, đừng quên điều đó.”
Tôi chưa bao giờ đọc The Tender Bar – tôi chỉ nhìn thấy trích dẫn này từ hình chụp màn hình của một ai đó trên Twitter.
“Việc đọc sẽ tiếp tục biến đổi và trở nên tốt hơn,” Don Katz nói với tôi, “cả về mặt chất lượng lẫn công nghệ, để duy trì vị thế của nó.” Trong quá khứ, sách đã gần như là một cỗ máy hoàn hảo để truyền tải văn bản – nhưng hiện tại việc đọc sách in đã bắt đầu bộc lộ nhiều yếu điểm.
Russ Grandinetti thì lại thích câu nói của Alan Kay: “Cách tốt nhất để dự đoán tương lai là phát minh ra nó.” Và tương lai của việc đọc sẽ được định hình một phần bởi những phát minh của Amazon – theo cái cách mà Amazon sẽ quyết định tăng cường, thay đổi, hoặc biến hóa những gì chúng ta đọc. Bất cứ ai có nhu cầu cạnh tranh đều phải xem xét kĩ càng tầm nhìn sâu sắc mà Amazon đã có bảy năm trước – nội dung văn bản trong một cuốn sách không phải là kết thúc, mà chính là sự khởi đầu.
Chú thích:
(1)Bong bóng dot-com/ Dot-com bubble: cách miêu tả hình tượng thị trường chứng khoán khi cổ phiếu của các công ty công nghệ lên cao một cách bất thường. Hiện tượng này xảy ra khi cổ phiếu của các hãng này bị đầu cơ hoặc nhận được sự kỳ vọng thái quá từ phía các nhà đầu tư. Diễn ra trong hoàn cảnh hàng loạt các tiến bộ về công nghệ máy tính xuất hiện, Windows 95 ra đời với nhiều đột phá khiến cho nhu cầu sử dụng máy tính tăng. Nhu cầu đó đã khởi động cuộc chiến khốc liệt về phần cứng khiến cho giá cả mỗi chiếc PC giảm nhanh chóng. Hai điều này đã đưa máy tính đến với từng công ty khiến cho năng suất lao động tăng cao (1,25% mỗi năm so với 0,02% tối đa của giai đoạn 1972 - 1995). Bên cạnh đó, nó cũng khuyến khích sự ra đời của hàng loạt các công ty, dịch vụ công nghệ và sự kỳ vọng lớn của các nhà đầu tư - nguyên nhân chính của bong bóng dotcom. – GenK
(2)The Western canon: The Western Canon: The Books and School of the Ages, là một cuốn sáchđược sáng tác năm 1994 bởi Harold Bloom, bàn về văn học phương Tây, bằng việc phân tích 26 nhà văn khác nhau mà tác gải cho rằng là trung tâm của những luật lệ văn học kinh điển.
Theo Theverger
0 nhận xét:
Đăng nhận xét